XEM THỐNG KÊ ĐIỂM CHUẨN VÀO LỚP 10 CÁC TỈNH
Mấy tháng trước, tôi về thăm mẹ khi đó đang gần đất xa trời, rồi cụ đi nhẹ nhàng. Khi vào việc hiếu, mới hiểu ra nhiều điều, đã về quê thì mình được dẫn dắt bởi ai.
Việc tang gia do ông anh họ thạo việc và anh trưởng, lên danh sách khoảng 30 đầu việc như thuê thợ kèn, mua quần áo tang, chuẩn bị vài cái lễ, hợp đồng với nhà tang lễ ở Hải Phòng, hay hẹn ô tô đón ở đâu. Mọi việc chạy trơn tru, chẳng có điều gì phải chê trách.
“Định hướng” trong đám tang
Trong làng, có vài “cụ” cùng lứa với tôi, hoặc trẻ hơn, bỏ học giữa chừng, đến lớp 4-5, cao nhất là tốt nghiệp 12, chẳng đi đâu, ở làng lâu thành ra…lão. Và mỗi dịp hiếu hỷ, các “cụ” đứng lên dạy dỗ đám đồng niên đi xa về, lạ nước lạ cái.
Trong 2 ngày tang mẹ, tôi không nhớ chính xác phải lễ bao nhiêu lần trước bàn thờ. Không biết thủ tục nên mình cứ như cái máy, ai bảo sao nghe nấy. Bắt đầu là lễ nhập quan, lễ thiết linh, đến thành phục, con cháu mặc quần áo tang, sau đó là cúng cơm, rồi bao cái lễ khác, chịu không nhớ hết.
Lúc đó tôi mới hiểu vái (bái) và lạy khác nhau. Thương mẹ thật, nhưng chẳng biết vái thế nào, cứ “ngay lưng như chó trèo chạn”, hai tay vái lấy vái để. Nhiều lúc mệt quá, làm nhanh cho qua chuyện.
Lạy là đứng thẳng, chắp hai tay trước ngực vái, rồi quỳ xuống, cúi rạp như đập đầu xuống đất. Đứng lên, ngồi xuống từ 3 đến 5 lần tùy thuộc vào lễ nào.
Một anh trong xóm nhảy ra hướng dẫn, làm thế này nhé, chụm hai bàn tay vào, để trước ngực, đưa lên ngang đầu, rồi cúi xuống và ngẩng lên theo lệnh của ông chủ lễ, mỗi lần hô bái, quì, lạy, cứ thế mà làm.
Một bác lớn tuổi lại ra chữa, khi vái phải đứng khom lưng thế này, mặt cúi xuống, không được nhìn lên bàn thờ. Tay thanh niên kia cãi bay, ông đếch biết gì, vái phải “thế vầy”.
Định hướng kiểu VN rất giống nhau, dân có học hẳn hoi mà chẳng hiểu nên nghe “cụ” nào.
Thủ tục dài lê thê và không nhất quán
Lúc quì chuẩn bị bái, ông thợ tế đọc danh sách “Chúng con là Giang Tử Lâm, trưởng nam, Giang Công Cua, thứ nam…”, hết nam đến nữ, hết cháu đến chắt, tất cả 57 tên được xướng lên. Phải 10 đến 15 phút mới hết các tên.
Khi lễ Thành Phục, giọng ông ê a, ai oán “Trước linh vị mẹ, chúng con khóc mà than rằng, núi dĩ hạt mưa sầu lạnh lẽo, ngậm ngùi thay giấc mộng nên xa…Mẹ ơi, bóng hạc bơ vơ biết đâu là chân trời góc bể… Ô hô, thương thay, mẹ ơi”, vừa đọc như vừa khóc, đám con cháu quì cũng sụt sùi.
Một lần vái lạy như thế mất khoảng 15-20 phút. Lễ đầu diễn ra rất cảm động, tôi thấy rất thiêng liêng. Nhưng qua 7 lần, con cháu vái lạy nhiều quá, ai cũng cảm thấy danh sách gần sáu chục cái tên kia dài lê thê. Ngồi quì trên đất, mỏi lưng, mỏi chân, tình thương dành cho người đã khuất vì thế mà vơi đi.
Có lẽ thấy tôi là “quê” nhất trong hội tế lễ, thỉnh thoảng mộ cụ ra chỉnh đốn tay công dân toàn cầu dở hơi. Này, anh cúi hẳn người xuống. Tiến lên chút cho bằng anh trưởng. Ông khác lại bảo, sao lại đứng ngang hàng với trưởng, vô lễ, lùi xuống đi. Rồi mắng, đi khắp thế giới mà không biết lễ bái là gì. Chán bỏ mẹ cho cái xứ Mỹ, đéo biết lễ nghi.
Các đoàn vào viếng, lại tiếp tục nhắc nhở như ban tuyên giáo, phải cúi mặt xuống, không được nhìn khách. “Cụ” khác, ít hơn lão Cua chừng chục tuổi, lại nhắc, người ta vào viếng mà không biết ngẩng lên chào một tiếng. Đại loại thủ tục mỗi “cụ” nghĩ ra một kiểu.
Ai đang dẫn dắt bạn?
Trong lúc giải lao, đợi các đợt lễ, các đoàn phúng viếng, tôi lân la hỏi thăm các bác trong đội nhạc hiếu. Bác bảo, học hết cấp 2 rồi ở quê, học mót chút nhạc 5 nốt, biết trống, phách là nhập hội được. Những bài tế lễ được viết tay trong cuốn vở học trò, các câu giống nhau, thương thay, bóng hạc, sự tử như sự sinh, tấc dạ bi hoài, trông linh vị tuôn dòng ai lệ… nếu nghe lần đầu rất bi thương.
Họ kiếm cũng khá. Hội hè đình, đám có khi thu nhập 500.000VNĐ/ngày là thường, cơm nuôi, quà mang về. Gặp nhà khá giả họ thưởng thêm vì thổi kèn và đánh trống to.
Một bác cười, các chú đi xa, học cao, quên hết nghi lễ làng. Ở Washington DC có luật của Mỹ, ở Hoa Lư có luật Trường Yên. Các chú về quê phải theo cho dù làm vương tướng ở đâu.
Vừa nói ông vừa chỉnh sửa cái áo tang bằng vải màn cho tôi, lại quấn cái khăn trên đầu, đưa cái gậy tre. Không được đi giầy, phải đi chân đất, không dùng tất, ba ngày không cạo râu. Đại loại từ một tay cổ cồn cavat danh tiến sỹ thành nông dân chính hiệu sau vài tiếng đào tạo bởi thợ kèn đám ma chưa đỗ cấp 3 tại làng.
Hết đám ma là đến cỗ ba ngày. Đây là dịp gia chủ cảm ơn những ngày tang gia bối rối. Ngoài những người đã giúp tận tình, các bác, các cô hết lòng vì gia đình, cũng mời chính quyền địa phương.
Cụ thể là trưởng xóm, tổ trưởng cựu chiến binh, các chức sắc trong làng, ngồi mâm cao, được phát biểu. No say, chức sắc quay ra giễu nhau, thách uống rượu 100%, gia chủ cứ phải tiếp đầy đủ cho có “tình người”.
Rồi đá khéo, con cháu đi xa về nên đóng góp cho quê hương. Con đường trong xóm nát quá, đóng cho vài chục triệu, bộ trống đám ma thủng rồi, giúp vài triệu. Có học có hành là do quê hương giúp mới nên người, bây giờ phải đền ơn xóm làng cho phải đạo làm người.
Biết đến bao giờ?
Mọi thứ bằng cấp, lý thuyết toàn cầu hóa, thế giới phẳng, nhân quyền, dân chủ…về tới làng được trang bị lại bởi những “cụ” đồng niên chưa vào PTTH và chính quyền làng xã cùng học thức.
Hỏi nhiều bà con trong xóm, ai cũng thấy hiếu hỉ ở quê còn khá phức tạp, dù đã được đơn giản đi nhiều. Nhưng thời gian gần đây lại có chiều hướng “tâm linh xô bồ” chẳng theo một thứ đạo chính thống nào.
Ở quê cũng quí thời gian, ai cũng có việc làm ăn, nhưng ngày nào cũng có đám, không đi không được, mà đi thì mất ngày, mất buổi, và…mất tiền. Nhưng đố ai dám trái cái…lệ làng, nghèo càng nghèo thêm.
Dạo quanh xóm chụp vài bức ảnh, tôi cứ nghĩ mãi, đất nước mình bao giờ sẽ khác. Muốn một quốc gia thay đổi, người ta phải nhìn vào cái base (nền móng). Nền móng là làng xã với bao nhiêu thủ tục rườm rà, không nhất quán, do một số “cụ” bỏ học” làm ra luật và lấy đó làm “thước đo tinh hoa nền văn minh lúa nước”.
Những người giỏi hơn chút đã bỏ quê ra đi, có về thì cũng như khách qua đường. Vì thế, trái đất có biến động như thế nào, quốc gia đâu đó sụp đổ hay chiến tranh, sau cái lũy tre ở xóm Tụ An, mọi việc vẫn như thế kỷ trước.
Đang đi chợt nghe tiếng kèn não nùng và ông thợ tế đang khấn bên nhà hàng xóm, vì có cụ ông 90 vừa mất, nghe quen quen “Ơi hỡi cha ơi, đường sinh tử trăm năm ngắn ngủi, Tây Trúc cha về để sầu tủi cháu con, đầy nhà trắng những khăn tang… Mong hương hồn cha thấu tỏ tình con. Ô hô cha ôi”.
Chữ “Mẹ” đã thay bằng chữ “Cha”, còn lại mọi lời khác đều giữ nguyên như trong cuốn vở học trò viết nguệch ngoạc, ghi những bài văn tế, nghe mang máng như các bài đít-cua viết sẵn của các chính khách.
Về quê, công dân toàn cầu được dẫn dắt bởi những người như thế đó, bạn đọc có tin không?
HM. 10-2013
----------------------------------------------------------------------------------------------Chào mừng bạn đến với Sáng kiến kinh nghiệm hay.Nếu bạn thấy nguồn sưu tập này có ích, hãy chia sẻ với bạn bè lên Facebook, google ... Trân trọng cám ơn
XEM ĐIỂM CHUẨN VÀO LỚP 10 CÁC TỈNH
Xem điểm chuẩn lớp 10
Hướng dẫn mua bán BITCOIN => Bấm vào đây
Sách hay bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment
Cám ơn bạn đã phản hồi