XEM THỐNG KÊ ĐIỂM CHUẨN VÀO LỚP 10 CÁC TỈNH

Hội Gióng từ làng ra thế giới





Việt Nam có hàng ngàn lễ hội diễn ra hằng năm nhưng điều gì khiến hội Gióng (xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?

Đó chính là những nghi thức, trò diễn xướng dân gian, điệu múa, câu hát, trang phục… với hàng ngàn người dân tự nguyện và hết lòng tham gia từ bao đời nay.

Bên tủ lưu giữ những trang phục của lễ hội Gióng, cụ từ Tặng, người trông nom đền Thượng của xã Phù Đổng, cho biết: “Tất cả những trang phục này được truyền từ nhiều đời nay và được giữ gìn rất cẩn thận. Năm trước, thấy những áo mão này đã quá cũ nên ban tổ chức lễ hội đã đặt làm lại toàn bộ trang phục mới, số trang phục cũ được giữ riêng ở một tủ và được bảo vệ nghiêm ngặt không khác gì những quy định và nghi lễ của hội”.

Tất cả nghi lễ của hội Gióng đều do các cụ trong làng truyền khẩu cho con cháu từ đời này đến đời khác rất cẩn trọng và thành kính nên đến hôm nay vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Cũng được bảo vệ nghiêm ngặt là các phong tục, nghi lễ của các thôn làng ở Phù Đổng.

Ông Nguyễn Đức Độ ở thôn Đổng Xuyên, thành viên ban quản lý di tích Thánh Gióng, tự hào: “Đây là lễ hội của nhân dân, do nhân dân duy trì và thực hành, không hề có sự dàn dựng, tham gia của bất kỳ nghệ sĩ, diễn viên, biên đạo nào”. Còn cụ Nguyễn Xuân Sản, 78 tuổi, thuộc số ít ỏi những người đọc được thư tịch cổ về hội Gióng, kể: “Từ rằm tháng 3 âm lịch hằng năm, các gia đình có người sắm vai các ông hiệu, cô tướng, phường áo đỏ, áo đen… lên đền nhận mũ, cờ, áo… rồi trở về thôn có thầy hướng dẫn luyện tập cẩn thận, nhất là những người đóng vai các ông hiệu. Đây là vai tốn rất nhiều thời gian, công sức tập luyện nhưng là vinh dự lớn và không phải ai muốn cũng được”.Không chỉ là vai diễn

Trong hội Gióng có sáu ông hiệu, mỗi ông có một đoàn tùy tùng phục vụ trong những ngày “ăn chay nằm mộng”. Ngoài ra có 28 bé gái 9-13 tuổi đóng vai các cô tướng (nữ tướng của giặc Ân) cũng được chăm sóc, tập tành như các ông hiệu. Khi lâm trận (trong lễ hội) các cô tướng đều ngồi kiệu. Mỗi ông hiệu, cô tướng đều có một người thầy dạy các nghi thức sao cho trong ngày hội tất cả động tác đi đứng, đánh trống, khua chiêng, phất cờ… đều phải thuần thục và thật chuẩn xác.

Anh Nguyễn Duy Hướng, sinh năm 1994, người xóm Bộ, thôn Phù Đổng 2, vào vai ông hiệu trống mùa lễ hội năm 2010, một thanh niên cao lớn nhưng hơi ngượng ngập, khi được hỏi về vai trò của mình trong hội Gióng năm nay tỏ ra rất hào hứng: “Trước đây nghe các cụ kể thì thời gian ăn chay nằm mộng thường là cả tháng nhưng bây giờ thanh niên đều phải đi làm, đi học, xin nghỉ cả tháng rất khó, bởi vậy thời gian ăn chay nằm mộng được rút ngắn còn nửa tháng, từ ngày 25-3 đến 9-4 âm lịch.

Trong thời gian này các ông hiệu tuyệt đối không được dùng thức ăn và các loại gia vị nặng mùi như nước mắm, hành, tỏi, rau răm, hạt tiêu… Thức ăn nấu cho ông hiệu chỉ được nêm nếm muối trắng”. Trong suốt thời gian ăn chay nằm mộng, người vào vai các ông hiệu phải được ở riêng biệt, tất cả đồ dùng đều phải là đồ mới và không được nói chuyện với ai. Đó là những nghi thức bắt buộc đối với các ông hiệu (trống, chiêng, trung quân…) để trở thành những trợ thủ đắc lực cho ông hiệu cờ cũng là vai diễn chính – người anh hùng làng Gióng.



Tất cả những gì “ông hiệu trống” cần đều có người hầu làm. Anh Hướng thổ lộ: “Không được nói chuyện với người nhà, bạn bè trong thời gian dài và không được đi đâu đối với một thanh niên quen đi lại, giao tiếp quả là khó chịu. Nhưng được đảm nhiệm vai trò ông hiệu là vinh dự lớn lao đối với một dân làng. Được làm người nhà thánh nên mình phải học hỏi rất kỹ từ cách đi lại, cách vung tay cho đến biểu hiện trên nét mặt…”.Kể từ khi nhận áo, mão, cờ, hia, chân hương của đền về nhà, Nguyễn Duy Hướng đã đảm nhiệm vai trò của tướng bên hữu, thúc trống giúp ông Gióng đánh giặc. Cũng từ lúc ấy, tất cả mọi người trong và ngoài gia đình đều phải gọi anh Hướng là ông, bởi anh sắp nhận một trách nhiệm quan trọng và thiêng liêng chứ không đơn thuần là một vai diễn.

Để hỗ trợ anh Hướng trong thời gian ăn chay nằm mộng trước khi trở thành “người nhà thánh”, có 18-30 người là anh em, họ hàng trong dòng tộc hoặc hàng xóm của anh Hướng cũng phải nghỉ việc để vừa túc trực chăm sóc ông hiệu vừa tập tành các động tác cầm lọng, quạt để vào vai bộ hạ, lính tráng… của ông hiệu trống. Mỗi buổi chiều ông hiệu và đoàn tùy tùng đều phải ra đền tập luyện.

 Nhà có hai ông hiệu

Gia đình ông bà Nguyễn Đặng Lợi – Nguyễn Thị Phương ở xóm Bộ, thôn Phù Đổng 2 có hai người con được làm ông hiệu hai năm liên tiếp của hội Gióng. Năm ngoái, anh Nguyễn Duy Lưu làm ông hiệu cờ và năm nay đến anh Nguyễn Duy Hướng, em của Lưu. Thường gia đình nào có người được/nhận làm ông hiệu phải chi phí khá nhiều vì trong suốt nửa tháng có rất đông người ăn ở trong nhà.

Tuy thế gia đình ông Lợi bà Phương lại rất vui vẻ và hãnh diện. Nhà làm nghề nông, có 7 sào ruộng trồng lúa và trồng màu nhưng theo lời bà Phương: “Những ngày chuẩn bị lễ hội, trong nhà ngày nào cũng làm 7-8 mâm cơm để phục vụ ông hiệu, nhưng đây là việc thánh nên gia đình được thánh phù trợ. Được giúp việc cho thánh ai cũng vui lắm, tất cả đều cảm thấy khỏe ra”. Các gia đình khác trong thôn, con cháu trong nhà từ trẻ em đến thanh niên đều nhiệt tình đăng ký tham gia làm mục đồng, phường áo đen, áo đỏ, phù giá, quân lính… Cả thôn đều náo nức trong những ngày chuẩn bị cho hội Gióng.

Theo ông Nguyễn Bá Hiên – một kỳ lão của làng: “Trước đây làng Phù Đổng có 10 mẫu ruộng nhà thánh, hằng năm lại bắt thăm xem giáp nào trong làng sẽ cấy và thu hoa lợi từ 10 mẫu ruộng để tổ chức hội. Sau này 10 mẫu ruộng đó được chia cho nhân dân cày cấy nên công việc tổ chức hội Gióng đều dựa trên tinh thần tự nguyện của nhân dân, đóng góp của nhân dân”.

Chính không khí rộn ràng đón nhận lễ hội cũng như sự tham gia tự nguyện và hết sức hăng hái của các gia đình, dòng tộc, cá nhân ở Phù Đổng từ xa xưa cho đến hôm nay đã làm nên một lễ hội dân gian hoành tráng bậc nhất tại nước ta, khiến hội Gióng đã vượt khỏi không gian thôn làng để đến với thế giới.



Hội Gióng được tổ chức hằng năm tại xã Phù Đổng, quê hương của Thánh Gióng, từ ngày 5-4 đến hết ngày 9-4.

Một số vai trong hội Gióng: ông hiệu cờ (tượng trưng người anh hùng làng Gióng), ông hiệu trống (tướng tả của Thánh Gióng), ông hiệu chiêng (tướng hữu), ông trung quân (tướng phái viên của triều đình Hùng Vương), ông hiệu tiểu cổ (tướng mục đồng), các cô tướng, phù giá nội (120 người – quân cận vệ chủ lực của Thánh Gióng), phù giá ngoại (48 người – đội quân nhân dân của Thánh Gióng), làng áo đỏ (90 em – đội quân thiếu nhi của Thánh Gióng), bát tiên, người đi câu, người đi săn, ông trùm, người giữ cờ lệnh, người mở cờ lệnh, gia nhân…

Tổng cộng có đến hàng ngàn vai diễn.

Theo TTO 



Hội Gióng từ làng ra thế giới
XEM ĐIỂM CHUẨN VÀO LỚP 10 CÁC TỈNH

Xem điểm chuẩn lớp 10
Hướng dẫn mua bán BITCOIN => Bấm vào đây




Sách hay bấm vào đây

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

Cám ơn bạn đã phản hồi


Subscribe to: Posts (Atom)


 
Sang kien kinh nghiem HAY - NCKHSPUD HAY ©Email: tailieuchogiaovien@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Bantintuvan|tailieusupham|khoahocsupham|Soidiemchontruong|inluon|Tài liệu|Xuất ngoại Nhật|Travel-Du lịch|Tử vi|Science
Top