LTS: Loạt bài viết của cô Phan Tuyết về mối quan hệ giữa học sinh – gia đình – nhà trường đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận.
Với tư cách là một giáo viên hoạt động trong ngành giáo dục hơn 30 năm, thầy giáo Ngô Đức Minh- từ thành phố Hồ Chí Minh- có thêm vài lời vừa như là để bày tỏ sự đồng cảm với cô giáo Phan Tuyết, vừa nói thêm cảm nghĩ của mình về thực trạng của xã hội ta khi nhìn vào lĩnh vực giáo dục.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Cả xã hội, đặc biệt là giới truyền thông, báo chí, cần có thái độ ứng xử với giáo dục một cách hết sức cẩn trọng. Mỗi thông điệp hay sự phản ánh, phản ứng thiếu cân nhắc, sẽ là vô tình hay hữu ý góp phần "vùi dập" thêm cái ngành giáo dục vốn đang ọp ẹp, xiêu vẹo.
Ngành nghề nào cũng vậy, sẽ có lúc thăng, lúc trầm thậm chí phạm phải sai lầm phạm pháp và giáo viên cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Tuy nhiên, đừng vì một cá nhân mắc lỗi mà cả xã hội quy chụp cho tập thể, "vơ đũa cả nắm" để trách móc toàn ngành.
Giao duc dang bi lep ve, bi khinh thuong! - Anh 1
Giáo viên phải yêu nghề, yêu trò thế nào mới đúng! (Ảnh: tuoitre.vn)
Rõ ràng, không thể phủ nhận việc dạy dỗ học sinh ngày nay càng ngày càng khó. Bởi chúng được sinh ra trong một xã hội đầy đủ từ ăn, mặc, sinh hoạt, học hành đến việc hưởng thụ các thành tựu khoa học hiện đại.
Trong khi đó, nội dung và khối lượng kiến thức (từ phổ thông đến đại học) còn nhiều bất cập gây nên tình trạng quá tải, tạo áp lực, ức chế thậm chí bức xúc không nhỏ cho cả học sinh và giáo viên.
Hơn nữa, sự thiếu niềm tin vào ngành giáo dục nói chung, thầy cô nói riêng cộng thêm sự nuông chiều con cái một cách thái quá, thậm chí bao bọc một cách phản giáo dục của phụ huynh đã khoét sâu thêm ngăn cách giữa thầy và trò, càng làm khó khăn của người thầy thêm chồng chất.
Trong khi, chủ trương xây dựng đất nước là đề cao vai trò giáo dục trên tinh thần “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nhưng thực tế, thầy cô đã thực sự được tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện tròn trách nhiệm của mình hay chưa?
Mỗi khi vụ việc xảy ra, xã hội luôn đổ hoàn toàn lỗi lầm cho ngành giáo dục nói chung và đội ngũ thầy cô nói riêng. Phải nói rằng, sự tập trung quá lớn vào tăng trưởng kinh tế đang đẩy giáo dục bị lép vế, bị khinh thường.
Sức ép từ học sinh, phụ huynh, cấp trên…khiến giáo viên hiện nay lên lớp trong tình trạng đầy căng thẳng, mệt mỏi, đầy âu lo chẳng còn mấy thiết tha với nghề.
Bởi lẽ, mỗi buổi lên lớp ngoài việc dạy dỗ học trò thì giáo viên phải đối mặt với các loại sổ sách từ giáo án, sổ bồi dưỡng thường xuyên, dự giờ, thao giảng, dạy học trên nền tảng công nghệ thông tin... đến các hội thi, sáng kiến kinh nghiệm.
Giáo viên yêu nghề, yêu trò thế nào khi mỗi giờ lên lớp học sinh không muốn học, trong giờ học thì nói chuyện ầm ầm như cái chợ mà mắng hay đánh học sinh thì bị lên án này nọ. Đến mức, ở một trường nọ, mỗi thầy cô đều sắm cho mình một cái loa điện để dạy học nhằm át tiếng ồn ào của học trò.
Giáo viên yêu nghề thế nào khi các em coi thường nhiều môn học, cư xử không lễ phép, không tôn trọng thầy cô.
Không ít giáo viên dạy giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh mà thu nhập chỉ vẻn vẹn 3 triệu đồng. Thậm chí, Tết Bính Thân vừa qua nhiều thầy cô không có tiền để về quê ăn Tết. Thế mới có chuyện thầy cô tính đến chuyện bỏ nghề và sinh ra việc “ dạy thêm, học thêm ”.
Nếu tình trạng xã hội quá coi trọng vật chất, tiền bạc như hiện nay mà đời sống của giáo viên còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn thì chắc chắn hình ảnh người thầy sẽ khó trở thành tấm gương sáng tâm huyết với nghề.