XEM THỐNG KÊ ĐIỂM CHUẨN VÀO LỚP 10 CÁC TỈNH
Bitcoin là một loại tiền tệ cũng giống như đồng đô la (dollar) hay đồng Việt Nam, đồng Yen, đồng Euro cũng là một loại tiền tệ; bitcoin cho tới giờ phút này có thể được gọi là ĐỒNG TIỀN của Internet, hoặc chúng ta cũng có thể gọi bitcoin là “tiền điện tử” cho nhanh và tiện, thậm chí tôi có thể nói một cách ngắn gọn hơn nữa: “Bitcoin là tiền.”
Về tác giả: Tôi là người đã dịch bài Infographic Lịch Sử Bitcoin đã đăng lên đây cách đây vài ngày mà có lẽ nhiều người đã xem qua.
Bitcoin là gì?
Tôi thấy có nhiều người gọi Bitcoin là “tiền ảo” và hoàn toàn không đồng ý cách gọi này chút nào, bởi vì tôi nghĩ cách gọi này rất dễ gây hiểu lầm và phản cảm cho những người chưa biết gì về bitcoin, bởi vì chữ “ảo” nó hàm ý một cái gì đó không có thực, không có giá trị; và tôi biết không có gì xa sự thật hơn điều này.Tiền ảo là một loại tiền thường thấy được sử dụng trong game, do một công ty game nào đó kiểm soát, cách tạo ra nó và cách nó vận hành hoàn toàn không hề giống với Bitcoin. Với lại, bạn đã từng thấy ai mua Lamborghini bằng tiền ảo bao giờ chưa? Nếu Bitcoin là tiền ảo thì chẳng lẽ tiệm bán xe Lamborghini đó ngu khi nhận bitcoins à? Lamborghini chỉ là một ví dụ trong số hàng chục ngàn ví dụ khác, và con số đó càng ngày càng tăng lên.
Bạn có biết? Chỉ có 8% tài sản tiền bạc trên toàn thế giới này là tiền mặt. 92% còn lại chỉ là những con số trên máy tính? Nói về “tiền ảo” đi.
“Giá trị” luôn là một khái niệm có tính chủ quan (subjective): nó có thể có giá trị đối với người này, nhưng lại không với người khác, nhiều ít khác nhau, tùy thời điểm và địa điểm khác nhau. Đừng quên rằng giá trị của bất cứ thứ gì còn được quyết định bởi quy luật cung cầu.
Chẳng hạn như khi chúng ta mua một món hàng thì chúng ta luôn xem món hàng đó có giá trị hơn số tiền chúng ta sẽ bỏ ra để đổi lấy, nhưng người bán thì ngược lại, họ xem số tiền đó có giá trị hơn món hàng họ bán ra, nếu không có điều kiện này thì sẽ không bao giờ có mua bán và nếu cả hai cùng tình nguyện mua bán thì cả hai sẽ đều cảm thấy lợi.
Bitcoin khác biệt ở chỗ nó không được tạo ra bởi bất cứ một quốc gia hay nhà nước nào, mà được tạo ra từ một mạng lưới kết nối các máy tính khắp thế giới, thuật ngữ trong tiếng Anh gọi là ‘decentralized‘ (tính từ): trong đó ‘centralize’ (đt) là tập trung (vào trung ương), ‘de’ là một tiền tố mang nghĩa ‘tháo gỡ’, ‘phân tách’ (vd như: decay, decline, decode, debug, decrease, deduct, depress), và ‘ed’ biến nó thành tính từ; nên tôi tạm dịch chữ ‘decentralized’ sang tiếng Việt là ‘phân trung’.
Ai tạo ra Bitcoin? Sơ lược về lịch sử của Bitcoin
Bitcoin được tạo ra bởi một người (hoặc một nhóm người) vì không muốn tiết lộ danh tính nên đã lấy biệt danh là Satoshi Nakamoto. Từ trước đến nay đã có nhiều phỏng đoán về Satoshi là ai nhưng phỏng đoán vẫn chỉ là phỏng đoán, và chúng ta vẫn chưa biết được Satoshi thật sự là ai vì tất cả những người bị “tình nghi” đều lên tiếng từ chối không phải là mình.
Tháng 11 năm 2008, Satoshi tung ra một bài viết, một bản thiết kế, một đề trình giới thiệu Bitcoin đến thế giới, bản tiếng Anh có thể được đọc ở đây (http://bitcoin.org/bitcoin.pdf) , đã có người dịch bài viết này ra tiếng Việt nhưng tôi thấy bài dịch có vẻ hơi phức tạp (và có một số chỗ dịch chưa đúng ý) so với một người đọc bình thường. Đó cũng là lý do tại sao tôi đã lập ra trang này, cộng thêm một lý do khác nữa đó là vì đọc được những bài báo, bài viết bằng tiếng Việt khác trên mạng tôi đều thấy rằng đa số các tác giả của những bài viết đó có lẽ như không hề có một chút hiểu biết sâu sắc nào về Bitcoin, cũng như về kinh tế, lẫn chính trị, có lẽ như là họ chưa bao giờ bỏ ra hơn một ngày để nghiên cứu tường tận về nó trước khi viết bài, dẫn tới những góc nhìn rất hạn hẹp.
Cho tới ngày 21 tháng 5 năm 2010 thì transaction (một sự giao dịch, mua bán, trao đổi) thực tế đầu tiên trong lịch sử của Bitcoin mới xảy ra khi Laszlo Hanyecz, một lập trình viên đang sống tại Florida, gửi 10000 BTC (bitcoin) cho một tình nguyện viên đặt mua dùm anh một ổ bánh pizza. (Tỉ giá BTC/USD chi tiết có thể được xem ở bitcoinwisdom.com)
Bitcoin hoạt động như thế nào?
Bitcoin hoạt động dựa vào những thuật toán mật mã cao cấp (SHA-256 hash). Protocol (nền tảng, cấu trúc, kiến trúc) của bitcoin có mã nguồn mở (open source), điều này có nghĩa là tất cả những ai biết về lập trình đều có thể kiểm tra qua mã nguồn này, nhưng không thể thay đổi được nó. Bitcoin protocol chỉ có thể được thay đổi hay nâng cấp thông qua số đông. Trước bất kì một sự thay đổi, nâng cấp nào thì các developers (những người phát triển (lập trình viên)) đều phải đưa ra những thông báo trước trên forum chính và nếu được sự ủng hộ của đa số thì sự thay đổi đó sẽ được xúc tiến.
Một mặt, bitcoin là một đơn vị tiền tệ; mặt khác, Bitcoin còn là một mạng lưới phân bố, phân trung, ngang hàng (peer to peer) chuyển giao tiền tệ. Có nghĩa là bạn có thể gửi bitcoin TRỰC TIẾP cho một người khác mà không cần qua một trung gian nào, bất kể thời gian, bất chấp không gian, với một lệ phí cực kì thấp, gần như bằng 0, hoặc thậm chí bằng 0. Hãy nghĩ về điều này một chút. Đây quả thật là một cuộc cách mạng chưa từng thấy xảy ra trong lịch sử loài người. Satoshi giải được bài toán mà từ trước đến nay người ta vẫn cho là không thể giải được – đó là bài toán về lòng tin – bằng cách đưa ra sáng kiến về block chain (tôi sẽ nói về chi tiết này sau).
Bởi vì khi đã có một trung gian đứng giữa, bạn phải tin họ. Làm sao có thể biết chắc được rằng họ sẽ không lừa bạn? Không bao giờ biết được, và không phải lúc nào lòng tin của bạn cũng đặt đúng chỗ. Làm sao để một Việt kiều có thể gửi tiền về cho thân nhân ở Việt Nam vào một ngày cuối tuần khi các dịch vụ gửi tiền không mở cửa với lệ phí gần như bằng 0 bất chấp số tiền muốn gửi là vài trăm đô cho tới vài chục ngàn đô hay hơn nữa? Thậm chí 150 TRIỆU ĐÔ (phí tổn: zero!)[Tham khảo] Tôi nghĩ có lẽ đây là một sự di chuyển tài sản vĩ đại nhất đã từng xảy ra trên trái đất. Ngày xưa người ta di chuyển vàng bạc châu báu, thì khỏi phải nói ai cũng biết là cần rất nhiều chi phí cho một sự vận chuyển như vậy: thuê xe, tàu, ngựa, lính gác, vệ sĩ… chưa kể đến thời gian phải tốn của cuộc vận chuyển đó trong khi với Bitcoin thì chỉ mất khoảng 60 phút (trung bình một confirmation (sự xác nhận hợp lệ của một transaction) của bitcoin mất khoảng 10 phút, số tiền càng lớn thì cần phải có nhiều confirmations để chắc chắn hơn, một khi đã có khoảng 6 confirmations trở lên thì có thể nói chắc chắn 100% số tiền đã gửi đó đã an toàn (KHÔNG THỂ hack được) và không thể nào bị đảo ngược lại được.)
Blocks và Block Chain
Block Chain là một chuỗi liên kết các Blocks (khối) lại, giống như chuỗi hạt là một chuỗi liên kết các hạt lại. Mỗi một block có nhiệm vụ lưu giữ lại những transactions gần nhất (mà chưa được lưu lại ở những blocks trước đó). Tưởng tượng như Block Chain là một quyển sổ cái, sổ kế toán công cộng khổng lồ ghi lại tất cả giao dịch, trong đó mỗi trang trong quyển sổ đó là một Block, trang này đầy thì sẽ ghi sang trang mới; quyển sổ này có một đặc điểm là có số trang vô hạn. Một khi thông tin về transactions đã được ghi lại thì sẽ không bao giờ có thể bị thay đổi hay xóa đi. Ngoài những transactions gần nhất, mỗi block còn chứa thông tin liên kết tới block trước nó. Và nó còn chứa một đáp án cho một bài toán rất khó giải. Đáp án này là khác nhau cho mỗi block. Nếu đáp án không đúng thì block đó không có hiệu lực và không được lưu lại trong block chain.
Bitcoin được tạo ra như thế nào?
Giả sử như chúng ta ví dụ 1 bitcoin bằng một ounce vàng (gần một lượng (8.3 chỉ), ounce là đơn vị đo độ nặng của vàng của người Tây), thì cứ khoảng mỗi 10 phút thì sẽ có một số lượng bitcoin (vàng) “đào” lên được. Con số này hiện nay là 25, vì đã giảm đi phân nửa sau mỗi 4 năm so với con số ban đầu là 50. Và cho tới năm 2140, sẽ có tổng cộng tất cả là 21 triệu bitcoins. Nói cách khác, sau khi 21 triệu bitcoins đã đào lên hết vào năm 2140, sẽ không còn bitcoins để đào nữa.
1 bitcoin có thể phân chia ra được 100 000 000 lần. Đơn vị nhỏ nhất không thể chia nhỏ hơn nữa được gọi là Satoshi, nhân danh người đã sáng tạo ra Bitcoin. Vậy là 1 bitcoin = 100 000 000 (một trăm triệu) Satoshis. Hay 1 Satoshi = 0.000 000 01 Bitcoin.
Một sai lầm trong tâm lý nhiều người là hiện tại họ thấy giá 1 bitcoin mắc quá nên nghĩ là mình không có khả năng mua. Thật ra thì nếu bạn không thể mua được 1 bitcoin thì bạn vẫn có thể mua 0.5, 0.1, 0.01 bitcoin… Nhưng có lẽ nhiều người sẽ không vượt qua được cái rào cản tâm lý đó là không thể chịu được cái cảm giác sở hữu một phần nhỏ của một cái gì đó, mặc dù là đối với những con số tiền bạc lạnh lùng thì nó chẳng có gì khác biệt: nếu 1 bitcoin bằng 1000 đô thì 0.1 bitcoin bằng 100 đô, không hơn không kém.
Hoặc nếu bạn thấy nó mắc quá thì cũng có thể xem qua Litecoin, bạn đồng hành với Bitcoin, giá vẫn còn đang rất thấp so với tiềm năng. Nếu Bitcoin là vàng thì Litecoin là bạc, có thể nói chung là như vậy.
Tại sao Bitcoin lại có giá trị? Giá trị đích thực của Bitcoin là gì?
Nhiều người lầm tưởng rằng giá trị của Bitcoin được tính bằng số tiền bạn có thể đổi ra được từ nó, hay nói cách khác là giá một bitcoin quy ra fiat currencies (USD, Yen, Pounds, Euro, VN Đồng…) Thật sự thì đó không phải là giá trị đích thực của Bitcoin, nó chỉ là một mức giá, một hệ quả có được từ quy luật cung cầu. Vậy thì giá trị THẬT SỰ của Bitcoin nằm ở đâu? Xin trả lời, giá trị thật sự của nó nằm ở cái mạng lưới, cái network, nơi mà khi bạn muốn tham gia vào thì bạn phải có những đồng xu bitcoins. Tưởng tượng những đồng xu này giống như cổ phiếu của một công ty start-up (chỉ có điều là ở đây không có công ty nào), khi càng nhiều người muốn mua cổ phiếu đó thì tất nhiên giá cổ phiếu phải tăng. Giá trị của nó nằm trong sự hữu dụng, tiện lợi, an toàn, bảo mật trong việc thanh toán, mua bán. Không một nhà bank, nhà nước, công ty nào can thiệp, một ý tưởng thiên tài đã trở thành sự thật lần đầu tiên trong lịch sử loài người.
Anonymity – Bitcoin cho bạn sự riêng tư
Người dùng Bitcoin không cần phải đăng ký tài khoản, không cần nhà bank, không cần thẻ tín dụng, không cần email, không cần phải có user-name hay passwords, không cần biết tên tuổi, địa chỉ, giới tính, quốc tịch, màu da, đẳng cấp, tầng lớp, trình độ… để nhận hay gửi bitcoins. Số bitcoins bạn có được chỉ đơn giản nằm trong một hay nhiều địa chỉ mà bạn có. Và số bitcoins đó thuộc về người nào đang giữ cái private key (nằm trong file wallet.dat), và chỉ khi có được cái private key đó thì mới có thể gửi bitcoin được, vì nếu không có private key thì sẽ không “ký tên” (sign) được. Khi bạn gửi bitcoins cho một người thì họ chỉ biết được số bitcoin đó là từ bạn gửi, nhưng không thể biết được ai là người đã sở hữu số bitcoins đó trước bạn.
Người ta có thể biết được số bitcoin đang có trong một địa chỉ chứ không thể biết được đích danh AI đang sở hữu địa chỉ đó. Vì thế nên ví dụ như bạn có 1 tỷ tiền bitcoins, bạn sẽ không gôm hết vào một địa chỉ duy nhất, mà phải chia ra làm nhiều địa chỉ khác nhau. Vì số tiền càng lớn thì sẽ càng bị mạng lưới chú ý theo dõi, và sự thật là như vậy.
Ai? Công ty nào điều hành Bitcoin?
Không một ai hay công ty nào điều hành Bitcoin. Bitcoin được vận hành bởi tất cả những người dùng Bitcoin, những người đang sử dụng Bitcoin Client.
Bitcoin Client là gì?
Bitcon clients là những phần mềm, chương trình chạy Bitcoin, hay còn có một tên gọi thông thường khác là Wallet. Có nhiều loại clients khác nhau được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn như:
- Bitcoin-QT Client (Download tại bitcoin.org/): Chương trình nguyên thủy được lập trình bởi Satoshi Nakamoto, người khai sinh ra Bitcoin. Phù hợp với những người đam mê, các thợ đào, developers, lập trình viên, doanh nghiệp.
- MultiBit Client (Download tại multibit.org/): Nhanh gọn nhẹ trung bình, phù hợp với người dùng trung bình.
- Electrum Client (Download tại electrum.org/): Nhanh gọn nhẹ nhất. Có thể phù hợp cho tất cả.
Bitcoin được “đào” (mine) như thế nào?
Cơ bản thì việc đào bitcoins là một quá trình cùng nhau thi đua của các “thợ đào” (miners) đề tìm ra đáp án, đáp số để giải một bài toán rất khó. Độ khó của bài toán này được tự động chỉnh sửa sao cho trung bình cứ khoảng mỗi 10 phút thì sẽ có một thợ đào (hoặc một nhóm hợp lại) rải rác khắp thế giới giải được một block.
Bài toán này có thể hiểu nôm ta tương tự như vé số, mua càng nhiều số thì cơ may trúng càng cao, công việc của những cỗ máy đào bitcoins là cố gắng tìm ra được con số trúng đó bằng cách... đoán mò, generate ra hàng tỉ tỉ "vé số" một giây, không phải chỉ một người mà là cả MẠNG LƯỚI các thợ đào cùng nhau hợp lại làm công việc này, nhắc lại là trung bình cứ khoảng mỗi 10 phút thì sẽ có một người hoặc một nhóm người tìm ra được con số trúng. Có lẽ ai cũng biết, có được con số trúng thì khó chứ "dò số" vì phải tốn thời gian, công sức, năng lượng, kiểm tra lại xem nó có đúng không thì rất dễ dàng.
Vì công nghệ và kĩ thuật càng ngày càng tiến bộ nên các máy tính của các thợ đào cũng càng ngày càng nhanh và mạnh dẫn tới độ khó sẽ càng ngày càng gia tăng. Bạn có biết, sức tính (computing power) của mạng lưới Bitcoin hiện nay đã mạnh hơn gấp 256 lần 500 cái Top Siêu Máy Tính trên thế giới CỘNG LẠI!
Như đã đề cập ở bài trước, khi mỗi một block được giải thì những người tìm ra được lời giải đó sẽ được “thưởng” một số bitcoin, giống như việc một người bỗng dưng tìm ra được một cục vàng chôn dưới gốc cây sau nhà. Bitcoin không phải từ không khí mà ra như tiền giấy (fiat currency) của bất cứ chính phủ nào trên thế giới. Cần phải tốn năng lượng và thời gian để vận hành những cổ máy tính đào bitcoin đó. Cũng giống như cần phải hao tốn tài nguyên để đào vàng lên từ lòng đất.
Nhiều người sẽ bảo rằng nếu mà như vậy thì Bitcoin quả thật là một sự phí phạm điện năng khủng khiếp. Tôi sẽ đưa ra hai phản biện như sau:
1. "Ngành công nghiệp" đào bitcoins là một thị trường có tính cạnh tranh rất gắt gao chứ không phải chuyện giỡn chơi mà cái máy tính hiện tại ở nhà bạn có thể tham gia vào được. Cần phải có một sự đầu tư lớn để tạo ra những "cánh đồng" (farm) computers khủng. Ngoài những cỗ máy khủng đó ra thì chi phí lớn nhất chính là tiền điện. Vì thế nên ở nơi nào, đất nước nào có điện rẻ thì hoạt động ở đó sẽ có lợi hơn. Chẳng hạn như Iceland là một đất nước có tiền điện phải nói là rẻ hơn rất nhiều so với những nước khác trên thế giới, vì cung cầu, vì những công nghệ trong renewable energy (năng lượng sạch, có thể tái chế, sử dụng lại), vì điện khó vận chuyển, phí phạm khi vận chuyển, khó tồn trữ...
Kỹ thuật càng ngày càng tiên tiến dẫn đến những cỗ máy đào bitcoins sẽ càng ngày càng mạnh hơn và tiêu tốn năng lượng ít hơn. Cộng thêm việc người ta có thể tận dụng hơi nóng, nhiệt tỏa ra từ những cỗ máy để dùng vào những ứng dụng khác. Điện khi đó không hoàn toàn bị lãng phí, nó vừa tạo ra được bitcoins, vừa tạo ra được nhiệt: 1000 Watts điện sẽ sản sinh ra được 1000 Watts nhiệt. Định luật bảo toàn năng lượng phát biểu rằng năng lượng không bao giờ mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Vấn đề là bạn có biết tận dụng sự chuyển đổi đó hay không thôi.
2. Bác bỏ Bitcoins chỉ vì lý do nó tốn điện mà không cân nhắc qua những lợi ích của nó thì quả thật là thiếu sót, phiến diện và ấu trĩ. Bạn phải tiếp tục đặt ra những câu hỏi như: Liệu Bitcoin sẽ giúp được gì cho sự phát triển của kinh tế hay không khi nó mở ra được những giao dịch mới, phương thức thanh toán mới...? Liệu nó có làm tăng tốc sự phát triển trong công nghệ kĩ thuật, trong công nghệ điện sạch... Nói rằng Bitcoin phí điện cũng giống như nói rằng việc tạo ra những cối xay gió để tạo ra điện có hại cho môi trường vì để tạo ra thép cũng phải tiêu tốn năng lượng.
Tại sao chỉ có 21 triệu bitcoins tất cả?
Cũng như vàng có giới hạn thì bitcoins cũng có giới hạn. Chính cái giới hạn này tạo ra một sự khan hiếm, tạo ra một giá trị cho bitcoins, bởi vì thường thì cái gì hiếm đều quý. Chính vì bitcoins có giới hạn nên điều này tạo ra một hiệu ứng ít thấy, đó là giảm phát (deflation) (thay vì lạm phát (inflation): một sự lạm dụng phát hành tiền tệ). Một trong những lý luận thường được đưa ra để bác bỏ bitcoin là: Nếu có giảm phát, dẫn đến đồng tiền bitcoins càng ngày càng TĂNG giá, thì người ta sẽ cứ tích trữ bitcoin, dẫn tới kinh tế bị trì trệ không phát triển vì không ai còn mua gì nữa. Tuy nhiên lập luận này không chính xác. Tôi có thể phản biện lại như sau:
Laptop càng ngày càng nhanh hơn, rẻ hơn. Nếu theo lập luận này thì sẽ không còn ai mua laptop nữa vì cùng với một số tiền đó mỗi năm người ta sẽ mua được một cái máy nhanh hơn, xịn hơn. Nhưng thực tế thì sao, thực tế thì khi nào CẦN là người ta sẽ mua, chứ không phải là vì tiền của người ta càng ngày càng có giá trị (vì mua được máy tốt hơn) (tăng giá) mà người ta sẽ không bao giờ mua.
Một ví dụ khác là chuyện mua Lamborghini bằng bitcoins đã đề cập ở đầu bài. Bitcoin càng tăng giá thì người ta sẽ càng muốn tiêu số bitcoin người ta có được. Bởi vì sao, bởi vì khi bạn mua một món hàng gì đó là lúc đó bạn đang CHỐT LỜI, nếu bạn cứ giữ mãi bitcoin trong người thì biết đâu được 1 ngày nào đó nó rớt giá thì sao? Bitcoin chính là liều thuốc giải cho căn bệnh thích tiêu thụ, hưởng thụ, ăn sài (consumerism) (với số tiền mình không có) có thể thấy đang lan tràn tới tuyệt vong trên thế giới ngày nay.
Sớm hay muộn gì thì bạn cũng sẽ nhận ra được sự thật về Bitcoin
Tại sao tôi lại quan tâm tới Bitcoin nhiều như vậy? Mục đích của tôi khi đến với Bitcoin là gì? Những ai nghĩ rằng là để đầu tư kiếm lời, để làm giàu thì hoàn toàn sai lầm. Mục đích thật sự của tôi khi đến với Bitcoin là vì tôi muốn đầu tư cho đường dài, cho tương lai năm mười năm nữa chứ không phải đầu tư kiểu chụp giựt. Tất nhiên cũng có không ít những người đến với Bitcoin chỉ với mục đích này, muốn làm giàu cho nhanh, bỏ một lời hai trong vài ngày… Thành công thì ít, loạn lên thì nhiều; càng loạn lên thì càng đưa ra những quyết định sai lầm.
Đầu tư luôn là một trò chơi may rủi ít nhiều không riêng gì Bitcoin và nhất là trong thời điểm biến loạn bùng nổ này của nó, có lẽ vài năm nữa lúc đó nó mới bắt đầu ổn định. Nếu bạn đang có ý định tham gia vào cuộc cách mạng này, chỉ nên nhớ một điều là đừng bỏ ra đầu tư một số tiền mà bạn không thể mất, không sẵn sàng để mất, có mất cũng không sao, hay nói cho rõ hơn là đừng có dại mà bán nhà để mà mua hết, chuyện này có lẽ ai cũng biết rồi nhưng nhắc lại vẫn không thừa.Một điều khác cần nhớ nữa đó là đừng tham gia vào Bitcoin nếu bạn không thật sự hiểu về nó, mà chỉ muốn kiếm chút cháo khi thấy báo chí đưa tin giá nó tăng vọt khiến lòng tham nổi lên.
Bitcoin không được phát minh ra để giúp bạn trở thành tỷ phú, nếu có mơ thì đừng có mơ nữa. Thời của những tỷ phú có lẽ đã qua rồi. Bitcoin được phát minh ra là để cải tạo thế giới, nghe có vẻ vĩ đại quá nhưng sự thật là vậy, bạn sẽ nhận ra được chuyện này, sớm hay muộn thôi, sớm thì mừng cho bạn, còn muộn thì ráng chịu đi, đừng nói là chưa có ai nói cho bạn biết.
Bitcoin không dành cho những trái tim yếu đuối; Bitcoin không dành cho những người thiếu hiểu biết. Giá trị đích thực của Bitcoin không nằm ở cái giá của nó, mà ở những khả năng, tiềm năng của nó. Nhiều người thiếu hiểu biết cứ nhìn vào cái giá của nó rồi bảo là ôi bong bóng, ôi tiền ảo, ôi vớ vẩn… Chính những người này sẽ là những người bị bỏ lại sau cùng. Chúng ta đã bị bỏ lại cả đời nay rồi, và cơ hội thì ngàn năm mới có một, nhiều khi nghĩa đen.
Liệu chính quyền các nước sẽ can thiệp vào Bitcoin không?
Câu trả lời là rất có thể, bởi vì một khi Bitcoin càng ngày càng được nhiều người đón nhận, càng ngày càng trở nên giống tiền thật sự hơn thì khi đó sẽ là một mối đe dọa tới quyền lực các nhà nước đang nắm trong tay. Bởi vì người nào nắm trong tay quyền lực về tiền bạc thì người đó nắm trong tay quyền lực về tất cả mọi thứ khác:
“Đưa cho tôi quyền điều khiển tiền tệ của một đất nước, và tôi sẽ không cần biết ai là người làm ra luật lệ của đất nước đó.”
(Một câu nói nổi tiếng của Mayer Amschel Bauer Rothschild)
Bitcoin được Satoshi thiết kế ra hoàn toàn loại bỏ đi yếu tố này, không ai có thể điều khiển nó, bao gồm luôn cả chính Satoshi. Tiền giờ đây không còn nằm trong vòng tay kiểm soát của chính phủ nữa, mà đã có thể trở về tay của từng người, từng cá nhân. Tuy nhiên tư tưởng của đa số mọi người hiện nay họ đều nghĩ rằng vai trò của nhà nước là cần thiết, sự hiện diện của nhà nước là để bảo vệ họ, giúp đỡ họ… Vì thế nên các nhà nước cũng hoàn toàn có thể tự tạo ra một loại “tiền mã” (cryptocurrency) gần giống như Bitcoin, chỉ khác một số điểm chẳng hạn như HỌ sẽ là người trực tiếp kiểm soát, quản lý, HỌ sẽ là người có quyền thay đổi những thông số bất cứ khi nào họ muốn…. Và nhiều người vì vẫn còn tin vào nhà nước, tin vào chính phủ của họ cũng sẽ sẵn sàng chấp nhận sử dụng đồng tiền được chính phủ bảo kê này. Đây chính là vấn đề; vấn đề không phải là Bitcoin có tốt cho chúng ta hay không (vì câu hỏi này chỉ có một câu trả lời), mà vấn đề chính là tư tưởng của chúng ta có hiểu được Bitcoin để chấp nhận nó hay không, có hiểu được những gì đang xảy ra trên thế giới này hay không, có hiểu được những chuyện căn bản về kinh tế, chính trị hay không… Đó chính là nhiệm vụ cốt lõi của những người làm giáo dục tại Viện Ludwig von Mises.
Để tìm hiểu về Bitcoin thì cần thời gian nhiều hơn một ngày hay một bài viết. Hồ đồ là những người chỉ mới nghe sơ qua về chuyện này mà đã vội phán xét (dựa trên những thành kiến, kiến thức của họ). Có lẽ bài này đã khá dài nên tôi sẽ để dành những gì chưa nói tới trong những bài tiếp theo. Để tóm lại tôi chỉ muốn nói: Bitcoin chính là tương lai của nhân loại. Chuyến đò vẫn chưa khởi hành và nó chỉ mới bắt đầu khởi động cái động cơ đầu tiên mà thôi.
https://tinhte.vn/threads/hieu-ro-hon-ve-bitcoin-tai-sao-bitcoin-khong-phai-la-tien-ao.2226602/
Chào mừng bạn đến với
XEM ĐIỂM CHUẨN VÀO LỚP 10 CÁC TỈNH
Xem điểm chuẩn lớp 10
Hướng dẫn mua bán BITCOIN => Bấm vào đây
Sách hay bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment
Cám ơn bạn đã phản hồi