Như vậy, toán điển hình lớp 4 có thể giải theo những quy tắc chung, ngoài một số bài toán đặc biệt. Phần tiếp theo sẽ trình bày ĐƯỜNG LỐI CHUNG ĐỂ DẠY HỌC SINH GIẢI MỘT BÀI TOÁN ĐIỂN HÌNH
Để học sinh lĩnh hội đầy đủ kiến thức về các loại toán điển hình và có kĩ năng giải các bài toán điển hình, khi dạy một loại toán điển hình, cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Hướng dẫn học sinh phân tích và giải mẫu về loại toán điển hình (theo các bài toán cho sẵn trong phần bài mới của sách giáo khoa).
Bước 2: Rút ra quy tắc (hoặc công thức hay các bước làm) của từng dạng toán.
Bước 3: Học sinh giải các bài toán tương tự bài toán mẫu (song thay đổi các dữ kiện, điều kiện của bài toán).
Bước 4: Cho học sinh giải các bài toán phức tạp dần.
MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG GIẢI TOÁN ĐIỂN HÌNH CHO HỌC SINH LỚP 4
I. TRANG BỊ KIẾN THỨC VỀ Ý NGHĨA CỦA CÁC PHÉP TÍNH, RÈN KĨ NĂNG TÍNH TOÁN
Các mạch kiến thức trong môn Toán có liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau. Khi học sinh giải toán, một điều quan trọng không thể thiếu đó là học sinh phải thực hiện các phép tính. Song thực tế, không ít học sinh còn hổng kiến thức về ý nghĩa của phép tính, kĩ năng thực hiện phép tính chưa thành thạo.Vì vậy việc trang bị những kiến thức về ý nghĩa phép tính là rất quan trọng, cần thiết vì nó giúp học sinh trong từng tình huống cần làm phép tính gì cho phù hợp. Mặt khác, học sinh không có kĩ năng thành thạo khi thực hiện phép tính thì sẽ dẫn tới một bài làm sai mặc dù phương pháp giải đúng.
Bài toán 1: Viết phép tính thích hợp trong mỗi tình huống sau:
a. Khối lớp Một có 245 học sinh, khối lớp Hai ít hơn khối lớp Một 32 học sinh. Hỏi khối lớp Hai có bao nhiêu học sinh?
b. Khối lớp Một có 245 học sinh, khối lớp Một ít hơn khối lớp Hai 32 học sinh. Hỏi khối lớp Hai có bao nhiêu học sinh?
c. Bạn Bình sưu tầm được 35 con tem, Bình sưu tầm được nhiều hơn Hoa 8 con tem. Hỏi bạn Hoa sưu tầm được bao nhiêu con tem?
d. Bao ngô cân nặng 35kg, bao ngô nhẹ hơn bao gạo 15kg. Hỏi bao gạo cân nặng bao nhiêu ki – lô – gam?
e. Hiện nay mẹ 35 tuổi. Tuổi mẹ gấp 5 lần tuổi con. Hỏi con bao nhiêu tuổi?
g. Số thứ nhất là 120. Nếu số thứ hai giảm đi 2 lần thì được số thứ nhất. Tìm số thứ hai.
II. RÈN KĨ NĂNG NHẬN DẠNG CÁC DẠNG TOÁN
Trong quá trình giải toán có lời văn, đặc biệt là giải toán điển hình, mỗi lần gặp một bài toán mà học sinh lại phải tính lại từ đầu thì sẽ rất lâu, mất nhiều thời gian. Vì vậy cần rèn cho học sinh nhận dạng nhanh các dạng toán. Từ đó, học sinh huy động vùng kiến thức, kĩ năng cần thiết vào giải bài toán.
Bài toán 1: Không giải bài toán, hãy đánh dấu nhân vào ô trước bài toán “Tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số đó”.
Có 60 tấn thóc chứa trong 2 kho, kho lớn chứa gấp 4 lần kho nhỏ. Hỏi mỗi kho chứa bao nhiêu tấn thóc?
Có 60 tấn thóc chứa trong 2 kho, kho lớn chứa hơn kho nhỏ 4 tấn thóc. Hỏi mỗi kho chứa bao nhiêu tấn thóc?
Tuổi bố và tuổi con cộng lại được 50 tuổi. Bố hơn con 28 tuổi. Tính tuổi mỗi người.
Bài toán 5: Mỗi bài toán sau thuộc dạng toán gì?
a.Lớp 4A có 4 tổ, trung bình mỗi tổ có 9 bạn. Số bạn nữ nhiều hơn số bạn nam là 4 bạn. Hỏi lớp 4A có bao nhiêu bạn nam, bao nhiêu bạn nữ?
b. Hiệu hai số là 738. Tìm hai số đó biết thương của chúng là 9.
c. Một hình chữ nhật có nửa chu vi là 125m, chiều rộng bằng chiều dài. Tính diện tích của hình chữ nhật đó.
d. Trung bình cộng của hai số bằng 15. Biết một trong hai số đó bằng 12. Tìm số kia.
III. RÈN KĨ NĂNG TRÌNH BÀY BÀI GIẢI
1. Rèn kĩ năng vẽ sơ đồ đoạn thẳng
Trong bốn dạng toán điển hình nói trên có 3 dạng toán nên tóm tắt bằng sơ đồ đoạn thẳng. Đó là các bài toán về mối quan hệ “tổng – hiệu”, “tổng – tỉ”, “hiệu – tỉ”. Mục đích của “tóm tắt” bài toán là phân tích đề toán để làm rõ giả thiết (bài toán cho gì) và kết luận (bài toán hỏi gì) của bài toán, thu gọn bài toán theo giả thiết, kết luận của bài toán rồi từ đó tìm ra cách giải bài toán một cách hợp lí. Bởi vậy, vẽ sơ đồ trước khi giải bài toán là cần thiết. Riêng đối với các bài toán về mối quan hệ số học “Tổng (hiệu) và tỉ số” như trên thì cần phải vẽ sơ đồ đoạn thẳng vào phần trình bày bài giải bài toán.
2. Rèn kĩ năng viết câu trả lời
Với bất kì bài toán có lời văn nào, khi làm bài giải, học sinh đều phải viết câu trả lời, viết phép tính tương ứng, viết đáp số. Nhiều học sinh chọn được phép tính đúng song câu trả lời chưa đầy đủ hoặc trả lời sai. Vì vậy, việc rèn kĩ nănng viết câu trả lời là rất cần thiết. Trình bày lời giải là khâu quan trọng nhất, đánh giá học sinh có những sai lầm gì để có biện pháp thích hợp. Song để có câu trả lời đúng, đủ thì phải rèn từng bước.
Bài toán 8: Tổng số học sinh giỏi khối lớp Năm và khối lớp Bốn của một trường tiểu học là 48 em. Tìm số học sinh giỏi mỗi khối biết số học sinh giỏi khối lớp Năm hơn số học sinh giỏi khối lớp Bốn là 2 em.
Bài giải
…………………………………….:
48 + 2 = 50 (học sinh)
……………………………………..:
50 : 2 = 25 (học sinh)
……………………………………:
25 – 2 = 23 (học sinh)
Đáp số: ……: 25 học sinh
…….: 23 học sinh
Bài toán 9: Khối lớp Bốn của một trường tiểu học có 3 lớp. Lớp 4A có 35 học sinh, lớp 4A nhiều hơn lớp 4B là 4 học sinh nhưng ít hơn lớp 4C là 1 học sinh. Hỏi trung bình mỗi lớp có bao nhiêu học sinh?
Bài giải
……………………………………………:
35 – 4 = 31 (học sinh)
…………………………………………….:
35 + 1 = 36 (học sinh)
..:…………………………………………….
35 + 31 + 36 = 102 (học sinh)
…:…………………………………………..
102 : 3 = 34 (học sinh)
Đáp số: 34 học sinh
IV. RÈN KĨ NĂNG GIẢI BÀI TOÁN MỚI
Đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng, yêu cầu trọng tâm khi dạy học sinh giải toán. Học sinh thể hiện việc tiếp thu kiến thức, rèn luyện kĩ năng qua việc trình bày bài giải. Việc rèn kĩ năng giải bài toán mới giúp học sinh làm quen với nhiều tình huống trong thực tế, giúp các em giải quyết tốt những tình huống đó.
Vì vậy để rèn kĩ năng giải bài toán mới cho học sinh thì nên cho học sinh làm các bài tập từ dễ đến khó. Các bài tập dễ là các bài tập vận dụng trực tiếp quy tắc hoặc công thức hay vận dụng các bài toán mẫu. Các bài toán khó là các bài tập mà các dữ kiện không cho dưới dạng tường minh hoặc câu hỏi của bài toán được hỏi dưới dạng khác các câu hỏi thường gặp trong các bài toán dễ; cũng có thể đó là các bài tập có yêu cầu cao hơn, phải suy luận mới tìm ra cách giải.
Khi hướng dẫn học sinh rèn kĩ năng giải toán, đối với những bài tập dễ có thể để học sinh tự làm sau đó nhắc lại quy tắc, công thức. Nếu học sinh quên có thể cho học sinh phân tích lại đề toán, nhắc lại dạng toán để học sinh nhớ lại cách làm. Đối với những bài toán khó hơn: Đưa về các bài toán đơn, dùng hệ thống câu hỏi gợi ý để hướng dẫn.
1. Dạng toán :Tìm số trung bình cộng.
Bài toán 1: Tìm số trung bình cộng của các số sau:
a) 52; 40; 73.
b) 30; 56; 47; 65; 82.
Bài toán 2: Tiền điện nhà bạn An phải trả trong ba tháng lần lượt là 93000 đồng, 104000đồng, 142000 đồng. Hỏi trung bình mỗi tháng nhà bạn An phải trả bao nhiêu tiền điện?
Bài toán 3: Trong một đợt thi đua chào mừng ngày 20 – 11, tổ Một giành được 38 bông hoa điểm 10, tổ Hai giành được ít hơn tổ Một 3 bông hoa điểm 10 nhưng lại nhiều hơn tổ Ba 3 bông hoa điểm 10. Hỏi trung bình mỗi tổ giành bao nhiêu bông hoa điểm 10?
Bài toán 4: Có một số ô tô chở muối lên vùng cao, 4 ô tô đi đầu, mỗi ô tô chở được 31 tạ và 4 ô tô đi sau, mỗi ô tô chở được 49 tạ. Hỏi trung bình mỗi ô tô chở được bao nhiêu tấn muối?
Bài toán 5: Trung bình cộng của hai số là 50. Tìm hai số đó biết số lớn gấp 3 lần số bé.
* Các bài toán trên được sắp xếp theo mức độ nâng cao dần:
Bài toán 1: Học sinh chỉ cần áp dụng trực tiếp quy tắc là có thể làm được.
Bài giải
a. Số trung bình cộng của các số 52; 40; 73 là:
(52 + 40 + 73) : 3 = 55
b. Số trung bình cộng của các số 30; 56; 47; 65; 82 là:
(30 + 56 + 47 + 65 + 82) : 5 = 56
Bài toán 2: Các số hạng cho dưới dạng số tiền điện từng tháng. Học sinh có kĩ năng tính toán thành thạo, áp dụng quy tắc là làm được bài.
Bài giải
Tổng số tiền điện nhà bạn An phải trả trong ba tháng là:
93000 + 104000 +142000 = 339000 (đồng)
Trung bình mỗi tháng nhà bạn An phải trả số tiền điện là:
339000 : 3 = 113000 (đồng)
Đáp số: 113000 đồng
Bài toán 3: Để giải được bài toán này, giáo viên hướng dẫn học sinh giải các bài toán đơn sau:
a. Tổ Hai giành được bao nhiêu bông hoa điểm 10?
b. Tổ Ba giành được bao nhiêu bông hoa điểm 10?
c. Cả 3 tổ giành được bao nhiêu bông hoa điểm 10?
d. Trung bình mỗi tổ giành được bao nhiêu bông hoa điểm 10?
Bài giải
Tổ Hai giành được số bông hoa điểm 10 là:
38 – 3 = 35 (bông hoa)
Tổ Ba giành được số bông hoa điểm 10 là:
35 – 3 = 32 (bông hoa)
Cả 3 tổ giành được số bông hoa điểm 10 là:
38 + 35 + 32 = 105 (bông hoa)
Trung bình mỗi tổ giành được số bông hoa điểm 10 là:
105 : 3 = 35 (bông hoa)
Đáp số: 35 bông hoa
Bài toán 4: Tương tự bài toán 3, song chưa cho trực tiếp số các số hạng. Học sinh cần xác định số các số hạng và giải các bài toán đơn sau;
a. 4 ô tô đi đầu chở bao nhiêu tạ muối?
b. 4 ô tô đi sau chở bao nhiêu tạ muối?
c. Có tất cả bao nhiêu ô tô?
d. Trung bình mỗi ô tô chở bao nhiêu tấn muối?
Bài giải
4 ô tô đi đầu chở số tạ muối là:
31 x 4 = 124 (tạ)
4 ô tô đi sau chở số tạ muối là:
49 x 4 = 196 (tạ)
Có tất cả số ô tô là:
4 + 4 = 8 (ô tô)
Trung bình mỗi ô tô chở là:
320 : 8 = 40 (tạ)
40 tạ = 4 tấn
Đáp số: 4 tấn
Còn nữa
Bài viết được trích từ một sáng kiến kinh nghiệm đạt môn toán lớp 4 giải A cấp tỉnh.
(Còn tiếp)
Bài 5. RÈN KĨ NĂNG GIẢI BÀI TOÁN MỚI (Tiếp theo)