Khối C không phải là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn khi thi vào cao đẳng, đại học vì đây là khối học nặng kiến thức về học bài và ít ngành học để lựa chọn theo sở thích. Chủ yếu các bạn học khối C thi vào các ngành của sư phạm, luật học, báo chí, tâm lý học, … và thực tế nhiều bạn chọn khối C vì “không biết chọn khối thi nào là phù hợp, dù sao thi khối C vẫn làm bài được chút ít theo khả năng tự sáng tạo”.
Tuy nhiên không hẳn là như thế. Bản thân tôi là sinh viên của ngành Luật học, ngay từ nhỏ tôi đã yêu thích học môn văn và đọc các sách lịch sử, chính niềm yêu thích đó đã giúp tôi quyết định chọn khối C để ôn thi và đã trở thành cử nhân Luật như mong ước. Tôi xin chia sẻ với các bạn một số bí quyết ôn và làm bài thi khối C đạt kết quả cao.
1. Xác định học ngay từ đầu
Trong thực tế, khi kỳ thi cao đẳng, đại học đến gần nhiều bạn mới “chạy nước rút” chọn khối thi và ôn thi trong thời gian ngắn. Như vậy chắc chắn sẽ không hiệu quả. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, ngày từ năm lớp 10 hoặc chậm nhất là đầu năm lớp 11 các bạn phải xác định ngành học và khối thi phù hợp với khả năng của mình để bắt đầu ôn thi ngày từ đầu. Vì thông thường trong đề thi khối C vẫn có một số câu hỏi liên quan đến kiến thức của chương trình học lớp 11. Do đó khi các bạn đã xác định ngày từ đầu đã là một thuận lợi cơ bản về kiến thức và thời gian ôn thi.
2. Bí quyết ôn thi hiệu quả:
- Lựa chọn tài liệu ôn thi: Thực tế nhiều bạn không xác định được tài liệu ôn thi cần thiết và phù hợp, đa số các bạn sưu tầm quá nhiều tài liệu, như vậy việc ôn thi sẽ không trọng tâm. Đối với mỗi môn học, các bạn cần chuẩn bị cho mình từ 1-2 loại tài liệu phù hợp và được xuất bản bởi nhà xuất bản giáo dục để đảm bảo về độ chuẩn xác của số liệu và kiến thức, đặc biệt dù bạn ôn thi tài liệu nào nhưng kiến thức sách giáo khoa là xương sống quan trọng nhất.
Từ những tài liệu đã được tuyển chọn kỹ càng kết hợp với bài giảng của thầy cô đã được ghi chép cẩn thận, hàng ngày các bạn nên dành thời gian để “biên soạn” lại theo cách học và trình bày bằng cách riêng của mình sao cho dễ nhớ, dễ học kèm theo các ghi chú cần thiết của mỗi bài học.. Đó là một quyển “cẩm nang” bí mật của riêng bạn không thể cho ai mượn sao chép và bạn chỉ học theo một quyển tài liệu chủ yếu đó mà thôi. Có như thế kiến thức của các bạn mới trọng tâm và dễ dàng hơn cho việc ôn thi, tự kiểm tra bài. Mặt khác, khi bạn soạn bài như vậy bạn đã nhớ được ít nhất 20% kiến thức đề ra.
- Phân chia thời gian ôn thi đối với từng môn học và thời gian dành cho các môn học khác: Khi đã xác định được khối thi thì các bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho 3 môn thi của khối thi đại học, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo kiến thức cơ bản của các môn học còn lại nhằm đáp ứng các bài kiểm tra, bài thi học kỳ và kỳ thi tốt nghiệp cấp 3. Với kinh nghiệm của tôi, thời gian học trên lớp tôi chú trọng nghe và ghi chép cẩn thận bài học của tất cả các môn học, nhưng thời gian tự học ở nhà, tôi dành 50% để học các môn học khác và 50% để ôn thi 3 môn thi đại học. Riêng bản thân tôi, luôn dành nhiều thời gian để học môn sử vì đây là môn học dài, có nhiều sự kiện khó nhớ do đó phải học đi học lại nhiều lần để khắc sâu kiến thức.
- Học và cập nhật thông tin: Hàng tuần tôi dành một ít thời gian để cập nhật thông tin từ mạng internet và tin tức thời sự trên ti vi vì theo kinh nghiệm của tôi đề thi khối C thường gắn với các sự kiện văn hóa - xã hội tiêu biểu của đất nước trong năm.
- Đề ra mục tiêu học cụ thể từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng kỳ đối với từng môn học: Khi các bạn hoàn thành các mục tiêu mình tự đề ra sẽ là một nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn để các bạn có thể ôn thi tiếp những phần còn lại một cách hiệu quả.
- Cách học bài dễ thuộc nhất là vừa đọc vừa ghi: các bạn có thể ghi theo sơ đồ đối với những phần học có nhiều mốc lịch sử hoặc ghi một vài từ ở đầu dòng, giữa dòng và cuối dòng mỗi ý cần triền khai.
- Tự học và tự kiểm tra: Đây là cách để các bạn tự rèn luyện phương pháp làm bài và tự canh chỉnh thời gian làm bài phù hợp. Sau khi đã ôn luyện được một thời gian với lượng kiến thức kha khác, cán bạn nên tự kiểm tra mình bằng cách “đóng cửa phòng” và tự làm những đề thi đã được sử dụng trong những năm trước để rồi tự rút ra kinh nghiệm và củng cố những thiếu sót sau khi đối chiếu với đáp án đã được công bố.
3. Bí quyết làm bài thi hiệu quả và đạt điểm cao:
Theo kinh nghiệm của bản thân tối, bài thi khối C phải đảm bảo một số yêu cầu tối thiểu:
- Đối với mỗi câu hỏi dù là môn văn, sử hay địa lý phải trình bày theo dạng một bài văn, có mở bài, thân bài (nội dung chính) và kết bài. Tuy nhiên, đối với câu hỏi môn địa lý và môn lịch sử thì phần mở bài, kết bài của một câu hỏi ngắn gọn hơn so với môn văn;
- Chữ viết rõ ràng, dễ đọc, nếu đẹp thì càng tốt vì đây là yếu tố gây thiện cảm cho người chấm bài thi;
- Tuyệt đối không sử dụng dấu “-“ trong bài thi. Khi viết hết ý, phải xuống hàng, lùi vào đầu dòng một ô. Có thể sử dụng các từ nối để bài thi được súc tích và liền mạch như: “một là”, “hai là”; :mặt khác”, “không những thế”; “bên cạnh đó”; “thêm vào đó”; “ngoài ra”;…
- Để tạo ấn tượng cho người chấm, bài thi không được quá ngắn, cần triển khai đủ ý có đầu, có cuối. Phần kết bài của mỗi vẫn đề cần triển khai vấn đề theo hướng mở rộng, bạn sẽ được thêm điểm cộng đấy.
Đối với môn văn: Cấu trúc của đề thi văn gồm 2 phần là phần chung (bao gồm một câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức - 2 điểm,và một câu yêu cầu các bạnviết bài văn nghị luận xã hội ngắn - 3 điểm); phần riêng (yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học) - 5 điểm. Với kết cấu bài thi như vậy, các bạn nên làm lần lượt từng câu, không nên làm câu 5 điểm trước sẽ mất thời gian:
- Đối với câu 2 điểm: Các bạn phải phải nắm vững kiến thức khái quát về văn học Việt Nam ở các giai đoạn, tác giả văn học. Các bạn cần viết đủ ý, tránh lan man, dài dòng.
- Đối với câu nghị luận xã hội 3 điểm: Là đề mở cho phép các bạn đưa ý kiến riêng của bản thân vào nên các bạn cần lập luận chặt chẽ, đảm bảo bố cục bài văn và đưa càng nhiều ý kiến riêng của bản thân càng tốt.
- Đối với câu nghị luận văn học 5 điểm: Bạn nên chuẩn bị trước phần mở bài một cách chung chung cho tất cả các tác phẩm có thể ra trong bài thi, để khi đọc đề là bạn có thể mở bài ngay, khi đó bạn đã bắt mạch được bài viết, chỉ cần vạch ra những ý cần triển khai trong phần thân bài nữa là đã cơ bản đạt yêu cầu. Đặc biệt, nếu có thể khi nghị luận về một tác phẩm văn học bạn có thể so sánh, đánh giá với các tác phẩm khác có sự tương đồng về giai đoạn , hoàn cảnh sáng tác, tác giả,… để khẳng định thêm về giá trị tác phẩm đang nghị luận. Những ý đó sẽ giúp bạn có thêm điểm cộng đấy.
Đối với môn địa lý: Các bạn cần đọc kỹ đề một lượt và có sự bố trí thời gian giữa phần lý thuyết và phần thực hành kỹ năng.
- Đối với phần lý thuyết: phải xác định được dạng bài là chứng minh, phân tích hay giải thích… rồi gạch ý ra nháp trước khi viết vào bài thi, phải viết đủ ý, có đầu, có cuối, có ví dụ minh họa làm rõ vấn đề.
- Đối với phần thực hành kỹ năng: Phải đọc kỹ yêu cầu để chọn lược đồ và biểu đồ phù hợp, Chú trọng phần phân tích và đánh giá, tìm ra nguyên nhân và tránh chú giải rườm rà, gây mất thiện cảm cho người chấm thi
Đối với môn lịch sử:
Thường đề thi có 4 câu và câu nào cũng có điểm nên dù thuộc ít hay thuộc nhiều cũng không nên bỏ trống câu nào, như vậy bạn sẽ mất rất nhiều điểm đáng tiếc, với thời gian 180 phút, bạn viết phải tối thiểu là 8 trang giấy mới đạt yêu cầu.
Khi làm bài, cố gắng theo trật tự các câu hỏi vì mỗi câu có thang điểm khác nhau. Nếu các bạn đảo lộn thì có khi người chấm sẽ nhầm điểm của câu này sang câu kia. Nhưng nếu trong trường hợp không thuộc thì các bạn nên linh động chuyển sang câu tiếp theo và để trống một vài hàng, đến khi nhớ phần còn lại thì ghi vào.
Về mốc thời gian sự kiện lớn: Không nhất thiết phải nhớ rõ ngày, tháng, năm diễn ra sự kiện, chỉ cần nhớ năm diễn ra sự kiện là tương đối đảm bảo.
Trên đây là những kinh nghiệm của bản thân tôi để việc ôn và làm bài thi khối C đạt kết quả cao. Tôi đã ứng dụng và đã đạt được ước mơ trở thành sinh viên ngành Luật và những kỹ năng này cũng được tôi sử dụng khi bước chân vào giảng đường đại học đối với những môn học yêu cầu kỹ năng học bài. Đảm bảo hiệu quả bất ngờ, các bạn thử vận dụng nhé. Chúc các bạn ôn thi tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.